Kết quả Chiến_dịch_Tia_Lửa

Chiến dịch Tia Lửa là một thắng lợi quan trọng về chiến lược đối với quân đội Xô Viết. Về khía cạnh quân sự, chiến dịch Tia Lửa đã thủ tiêu nguy cơ Leningrad bị rơi vào tay kẻ thù cũng như việc quân Phần Lan và quân Đức có thể hợp binh với nhau ở mặt trận Tây Bắc; sau chiến thắng này phương diện quân Leningrad đã nhận được sự tiếp ứng đầy đủ hơn, được củng cố vững chắc hơn và có thể hành động phối hợp chặt chẽ với phương diện quân Volkhov nhờ vào hành lang liên lạc ở bờ Tây hồ Ladoga. Đối với thành phố Leningrad, thắng lợi của chiến dịch đồng nghĩa với việc tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cũng như việc di tản dân cư khỏi thành phố sẽ diễn ra mau lẹ và dễ dàng hơn.[8] Phá vỡ được vòng cương tỏa của Leningrad rõ ràng mang lại một lợi thế chiến lược cho quân đội Liên Xô, dù nó bị che mờ bởi sự đầu hàng của Tập đoàn quân số 6 (Đức) tại Stalingrad ít ngày sau đó. Đồng thời, trong chiến dịch Tia Lửa, quân đội Liên Xô đã bắt sống được chiếc xe tăng "cọp" đầu tiên của phát xít Đức, và "tù binh" này nhanh chóng được đưa về hậu phương để "mổ xẻ" và nghiên cứu.[39]

Chiến thắng của chiến dịch Tia Lửa đã giúp cho Đại tướng G. K. Zhukov được phong quân hàm Nguyên soái Liên bang Xô Viết, còn trung tướng pháo binh L. A. Govorov cũng được thăng lên hàm thượng tướng vào ngày 15 tháng 1. Đồng thời cả L. A. Govorov và K. A. Meretskov cũng được tặng thưởng Huân chương Suvorov vào ngày 28 tháng 1. Các sư đoàn bộ binh số 136 và 327 cũng được phong danh hiệu Cận vệ, trở thành sư đoàn bộ binh cận vệ số 63 và số 64, trong khi Lữ đoàn xe tăng số 61 trở thành Lữ đoàn xe tăng cận vệ số 30.[3]

Về phía Đức, chiến dịch Tia Lửa khiến cho thế trận của Tập đoàn quân số 18 (Đức) bị kéo căng quá cỡ và làm cho lực lượng này bị hao tổn nhiều binh tướng. Trước tình trạng thiếu hụt binh lực, Bộ Tư lệnh của Cụm Tập đoàn quân Bắc buộc phải hạ lệnh rút binh khỏi cái túi Demyansk để thu ngắn lại mặt trận. Demyansk cùng với cái túi Rzhev ở khu vực của cụm tập đoàn quân Trung tâm vốn dĩ được xem như hai bàn đạp để quân Đức tấn công và tạo hai gọng kìm bao vây một số lượng lớn binh lực của quân đội Liên Xô. Tuy nhiên đến năm 1943, việc giữ hai bàn đạp này không còn khả thi và việc rút quân khỏi chúng là cần thiết.[40]

Tuy nhiên, bất chấp những thành quả thu được, Bộ Tổng tư lệnh Tối cao Liên Xô vẫn nhận thức được rằng Chiến dịch Tia Lửa chưa hoàn tất được đẩy đủ những mong muốn của họ. Cái "cổ chai" Shlisselburg quá hẹp và đường vận chuyển, tiếp tế vẫn nằm trong tầm đại bác của phía Đức, đồng thời cao điểm Siniavino cũng vẫn còn bị người Đức chiếm giữ. Điều này khiến Nguyên soái G. K. Zhukov quyết định mở một cuộc tấn công lớn mang tên Chiến dịch Sao Bắc Cực (Polyarnaya Zvezda) nhằm giáng một đòn quyết định vào Cụm Tập đoàn quân Bắc; có điều kế hoạch tham vọng này đã không thành công.[8] Tuy nhiên, suốt năm 1943 quân đội Liên Xô đã mở một số đợt tấn công khác và dần dần nới rộng được cái "cổ chai" Shlisselburg và đến tháng Chín đã giải phóng Siniavino.[41] Thành phố Leningrad vẫn bị pháo binh và không quân Đức uy hiếp mãi đến đầu năm 1944 khi toàn bộ quân Đức bị quét sạch khỏi từng cây số vuông của tỉnh Leningrad.[42]